Thời cổ đại, ở đất nước Nhật Bản, người nông dân bị giới quý tộc coi là “tiện dân”, tầng lớp hạ lưu trong xã hội. Thậm chí ngay cả việc xuất gia làm hòa thượng, họ cũng không có tư cách.
Một cậu bé “tiện dân” tên là Vô Tam đã phải ẩn giấu thân phận của mình để được vào chùa. Sau đó cậu chuyên tâm tu hành và được mọi người tôn làm sư trụ trì.
Nhưng trong lễ cử hành nghi thức phong sư trụ trì, đột nhiên có một người từ trong đại điện bước ra, chỉ tay vào Vô Tam đang ngồi trên pháp đàn và giễu cợt:
- “Hòa thượng xuất thân tiện dân mà cũng được phong làm sư trụ trì, như vậy sao chấp nhận được?”.
Đang trong nghi thức trang nghiêm long trọng, đột nhiên có sự tình như vậy phát sinh, khiến chúng tăng lúng túng không biết phải xử lý làm sao. Họ cũng không có cách nào ngăn cản được người vừa nãy lên tiếng, vì vậy ai nấy đều im hơi lặng tiếng rơi vào tình thế nặng nề. Nghi lễ bị gián đoạn, bầu không khí tĩnh lặng đến nỗi có thể nghe thấy tiếng động của một cây kim rơi xuống mặt đất.
Đối mặt với tình huống bất ngờ ấy, hòa thượng Vô Tam nở một nụ cười rồi thong dong nói:
-“Hoa sen giữa bùn nhơ!”.
Đây là một câu đối đáp tuyệt diệu. Tất cả những người có mặt tại hiện trường lúc ấy đều reo hò ủng hộ và trầm trồ khen ngợi. Người kia cũng không thể nói lại được gì nữa ngoài việc bội phục câu trả lời của hòa thượng Vô Tam. Buổi lễ lại được tiếp tục tiến hành. Mọi người sau khi biết được thân phận của hòa thượng Vô Tam, thậm chí còn kính phục ông hơn trước.
Kỳ thực, hết thảy phú quý hay bần tiện trên thế gian này cũng đều giống như nước chảy mây trôi. Vào mỗi thời khắc, nó đều không ngừng biến hóa, thay đổi.
Chúng ta không thể chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài, mà phải nhìn thấu vào bản chất của giàu nghèo, mới có thể đối xử bình đẳng mọi người trong thiên hạ.
Đứng trước sinh-lão-bệnh-tử trong đời người, thì giàu hay nghèo của con người thế gian cũng đều yếu ớt, vô lực. Tâm hồn cao thượng và đạo đức cao quý mới là điều quý giá nhất của một người.
EmoticonEmoticon